Từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, mũ bảo hiểm cho các tay đua xe moto bắt buộc phải đạt chứng nhận chuẩn của FIM, áp dụng cho tất cả các giải đua thuộc FIM Endurance World Championship và Endurance World Cup. Theo đó, mũ bảo hiểm fullface cho các tay đua được công nhận đạt chuẩn an toàn khi có chứng nhận từ FRHPhe (viết tắt của FIM Racing Homologation Programme) của tổ chức FIM. Được biết, các tay đua bắt buộc phải sử dụng mũ đạt chuẩn từ FIM cho vòng sau của giải đua xe FIM EWC: the 24 Heures Motos tại Le Mans diễn ra vào ngày 18 và 19 tháng 4.
Giới thiệu FIM: tổ chức quốc tế về lĩnh vực hoạt động xe moto
FIM (Fédération Internationale de Motocyclisme) được thành lập vào năm 1904 tại Paris và gần đây nhất đặt trụ sở tại Mies (Thuỵ Sĩ). FIM là tổ chức quốc tế tham gia mọi lĩnh vực về các hoạt động có liên quan đến xe moto (gồm các hoạt động có hoặc không có tính thể thao) mà theo đó: tổ chức sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của ngành công nghiệp xe moto và người đi xe moto.
Cho tới thời điểm hiện tại, FIM đã liên kết được với 115 Liên đoàn Quốc tế và Hiệp hội của cả 6 châu lục.
FIM được biết đến là cơ quan thẩm quyền quốc tế tối cao, cho phép tổ chức này kiểm soát, giám sát mọi hoạt động sự kiện về lĩnh vực xe moto nằm trong khuôn khổ do FIM tổ chức trên khắp thế giới. Anh em có thể hiểu như là FIFA của giới bóng đá.
Chuẩn FIM chính thức được áp dụng cho mũ bảo hiểm đua xe từ năm 2020
Nếu như trước đây FIM chỉ áp dụng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế hiện thời (DOT, ECE, SNELL) đối với mũ bảo hiểm sử dụng trên đường đua thì ngày nay, tổ chức này đã đưa ra chứng nhận cụ thể cho các giải đua vào năm 2019. Được biết, chuẩn của FIM là sự kết hợp giữa thử nghiệm mới và những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khắt khe hơn cho mũ bảo hiểm đua xe. Qua đó, chứng nhận này được dựa trên cơ sở dữ liệu của nghiên cứu khoa học gần đây, với mô phỏng hình dáng đầu người chuẩn xác hơn.
Đặc biệt hơn, quy trình kiểm duyệt của FIM FRHPhe-01 có sự kết hợp giữa thử nghiệm va chạm với góc nghiêng 45 độ và nhiều thử nghiệm với vận tốc nhanh, va chạm ở tại nhiều vị trí khác nhau hơn. Cụ thể một chiếc mũ bảo hiểm cần phải trải qua các vòng thử nghiệm như sau:
Thử nghiệm tác động tuyến tính
Trước tiên, FIM sẽ đánh giá phản ứng của mũ bảo hiểm đối với các tác động tuyến tính có cường độ tác động từ rất cao cho đến mức trung bình-thấp. 13 vị trí sẽ được chọn ngẫu nhiên trong số 22 vị trí được thiết lập trước, phân bố trên khắp bề mặt mũ bảo hiểm. Điều này nhằm mục đích đánh giá đồng đều mức độ bảo vệ ngăn vỡ xương sọ và tính năng cơ học của lớp đệm (hoặc lớp lót) bảo vệ.
Thử nghiệm tác động xiên
Đây được xem là bước cải tiến trong quy trình kiểm duyệt mũ bảo hiểm và FIM là tổ chức đi tiên phong trong quy trình này. Thử nghiệm tác động xiên cho phép đánh giá phản ứng của mũ bảo hiểm đối với các tác động xiên ở cường độ trung bình, nhằm đánh giá mức độ bảo vệ người đi xe khỏi chấn thương não chủ yếu do gia tốc xoay tạo ra. Thử nghiệm xiên đã tạo ra đột phá mới và hiện đại nhất trong các phương pháp thử nghiệm. Bởi nó phản ánh cảnh tượng rất phổ biến xảy ra trong các vụ tai nạn ở ngoài đời, mặc cho điều này chưa từng được chú ý trong các tiêu chuẩn quốc tế đến ngày nay.
Thử nghiệm xuyên thấu
Trong quy trình kiểm duyệt của FIM cũng bao gồm cả thử nghiệm xuyên thấu, được sử dụng để kiểm tra khả năng chống va đập của lớp vỏ đối với các vật sắc nhọn.
Từ các quy trình kiểm duyệt trên, mũ bảo hiểm đua xe đạt chuẩn FIM sẽ góp phần gia tăng mức độ đảm bảo an toàn cho phần đầu, tránh tổn thương vùng não khi có tai nạn xảy ra.
Bên cạnh đó, vật mẫu mô phỏng thử nghiệm hiện nay còn được trang bị thêm lớp silicon, nhằm mục đích mô phỏng chính xác hơn độ dày phần da người, các vùng va chạm cũng được điều chỉnh lại để phản ánh đúng hệ số ma sát với bề mặt đường nhựa.
Vì thế, các hãng sản xuất mũ bảo hiểm muốn đăng kí chứng nhận FIM FRHPhe-01 cho sản phẩm của mình sẽ phải trải qua quy trình thử nghiệm này tại phòng thí nghiệm tác động va chạm của Viện nghiên cứu kỹ thuật Aragon (Đại học Zaragoza) ở Tây Ban Nha. Theo đó, mỗi dòng mũ bảo hiểm với kích thước riêng biệt sẽ được kiểm duyệt tách biệt, và nếu có, phải nộp kèm với các phụ kiện sử dụng trên đường đua. Sau khi vượt qua tất cả các quy trình kiểm duyệt, mũ sẽ được in tem chứng nhận FIM FRHPhe-01 ở vị trí ngay tại cằm, đi kèm với giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn đường đua.
Một số mũ bảo hiểm đạt chuẩn FIM
Ngoài các mũ chuyên dụng cho đường đua thì chỉ có mũ LS2 Thunder FF805 sắp ra mắt là đạt chuẩn này. Anh em quan tâm thì có thể tham khảo thêm: mũ LS2 Thunder.